Viêm loét đại trực tràng chảy máu là 1 căn bệnh về đường tiêu hóa hay gặp. Bệnh làm tổn thương lan tỏa lớp niêm mạc, dưới niêm mạc, vị trí chủ yếu tại trực tràng, giảm dần đến đại tràng phải.
Do bệnh có các biểu hiện giống như bệnh thông thường khác nên người bệnh chủ quan nhập viện muộn khiến cho việc điều trị khó khăn. Vì vậy việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm là điều vô cùng cần thiết.Dấu hiệu nhận biết
Đau bụng là triệu chứng hay gặp. Đau bụng làm bệnh nhân phải đi đại tiện ngay. Bệnh nhân có triệu chứng mót rặn khi đại tiện. Giai đoạn đầu bị bệnh thường bị nhầm là bị bệnh lỵ và tự điều trị nhưng không có kết quả hoặc có giảm bớt triệu chứng nhưng sau bệnh ngày càng tăng dần.
Tùy theo mức độ tổn thương mà bệnh có biểu hiện khác nhau ở trường hợp điển hình, bệnh nhân tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có nhiều nhầy máu, nếu bệnh nặng có khi chỉ toàn nhầy máu mà không có phân. Nếu các thể nhẹ, người bệnh không có thay đổi về thể trạng, triệu chứng đại tiện nhầy máu chỉ kéo dài dưới 4 ngày, không có thay đổi thể trạng, không có thiếu máu hoặc giảm protein máu.
Bệnh thường chỉ khu trú ở trực tràng hoặc đại tràng sigma, hiếm khi có tổn thương cao hơn ở phía trên. Các biểu hiện ngoài ruột là rất hiếm. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể diễn tiến thành nặng.
Nếu trường hợp nặng hơn, người bệnh thường khởi đầu bằng đau quặn bụng, rồi đại tiện phân máu, có thể xảy ra vào ban đêm nhưng số lần đại tiện thường dưới 6 lần/ngày. Thường kèm theo sốt, giảm protein máu, làm bệnh nhân mệt mỏi.
Nhận biết viêm loét đại trực tràng chảy máu
Bệnh trở nên trầm trọng khi người bệnh đại tiện có máu hơn 6 lần/ngày và thường xảy ra về ban đêm. Thường có cảm giác đau rát, buốt hậu môn và mót rặn. Cơ thể suy sụp với nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốt cao, bụng trướng. Nếu không được điều trị kịp thời thì tiến triển rất nặng dẫn đến tử vong do xuất huyết trầm trọng hoặc giãn đại tràng nhiễm độc.
Bệnh nhân có thể sốt, thiếu máu, biểu hiện bằng hoa mắt chóng mặt, nhất là khi ngồi xuống và đứng lên; có thể có phù chân do giảm protein máu khi mắc bệnh lâu ngày. Ở thể nặng có biểu hiện mất nước: khát nước, môi khô, người hốc hác, thậm chí có triệu chứng sốc như: mạch nhanh, huyết áp tụt, đau bụng dữ dội do viêm đại tràng nhiễm độc. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng như sưng đau các khớp, đau vùng thắt lưng và cùng chậu do viêm khớp cùng chậu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét